Công tác kiểm tra, giám sát góp phần quan trọng trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực In trang
02/10/2023 04:46 CH

"Phải củ soát sự thi hành nghị quyết: Con đường chính trị và nghị quyết của Đảng đưa ra có khi vì đồng chí không hiểu biết, thiếu năng lực mà làm sai, có khi vì nạn khiêu khích phá hoại của mật thám mà bị phá hoại, cũng có khi vì sự xung đột cá nhân trong các đồng chí chấp hành hoặc cái thói độc đoán quan liêu hủ bại của một vài người phụ trách mà làm chậm trễ hoặc hư hỏng. Tất cả những điều hư hỏng ấy, nếu không có sự củ soát thì không sao thấy ngay được mà sửa đổi cho kịp thời để tránh những sai lầm to tát, những thất bại đau đớn và nếu không có sự củ soát thì những nghị quyết dù đúng đến đâu nhiều khi không làm gì" (trích Nghị quyết của Ban Trung ương Đảng, ngày 6, 7, 8 tháng 11 năm 1939).

Kỳ họp thứ 11 - năm 2023 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lâm Đồng

"CỦ SOÁT", NHỮNG NGÀY ĐẦU THẮP LỬA

Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính quyền Cách mạng ra đời chưa có thời gian củng cố, đã phải đương đầu với hàng loạt khó khăn thách thức của “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm”. Đảng và Nhà nước ta đã bắt tay ngay vào giải quyết những khó khăn cấp bách của đời sống nhân dân, tăng cường thực lực cách mạng trên tất cả các phương diện chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội... Do yêu cầu "Đảng ta hiện đương lãnh đạo cuộc kháng chiến và kiến quốc của dân tộc. Phong trào mỗi ngày một tiến nên công việc của Đảng mỗi ngày một phức tạp. Mỗi việc của Đảng phải thấu suốt từ trên xuống dưới, chính sách của Đảng phải được thi hành đầy đủ... để xem xét chủ trương của Đảng có được thi hành và có sát, đúng không, đồng thời xem xét thi hành kỷ luật trong Đảng để thu nhặt kinh nghiệm giúp Trung ương bổ khuyết cho chính sách của Đảng", tại Chiến khu Việt Bắc, cơ quan chuyên trách đầu tiên của Đảng - Ban Kiểm tra Trung ương đầu tiên được thành lập theo Quyết nghị số 29/QN/TW, ngày 16/10/1948 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng (khóa I) do đồng chí Thận, tức đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư ký thành lập.

Sau khi được thành lập, Ban Kiểm tra Trung ương và Ban Kiểm tra của các khu ủy, liên khu ủy, tỉnh ủy đã hăng hái thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng của Trung ương và các cấp ủy giao, có những vụ, việc quan trọng do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giao, đồng chí Trưởng ban cùng một số cán bộ thực hiện. Ngoài ra, còn thực hiện kiểm tra việc chấp hành các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ về chỉ đạo chiến tranh, chuẩn bị kháng chiến, chống lãng phí, tham ô ở các tỉnh thuộc liên khu Việt Bắc. Kiểm tra việc thực hiện chiến tranh nhân dân ở hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang để chuẩn bị cho Hội nghị chiến tranh nhân dân vùng Trung du. Cùng với các đồng chí có trách nhiệm trong quân đội giải quyết vụ án một số cán bộ giữ trọng trách ở Cục Quân nhu, Bộ Quốc phòng tham ô, lãng phí...

Ở Miền Nam, vào cuối năm 1950 - đầu năm 1951, xứ ủy Nam bộ đã tổ chức đoàn kiểm tra đi kiểm tra 2 tỉnh Rạch Giá và Long Châu Hà, qua kiểm tra đã xử lý kỷ luật đối với một số cán bộ và Tỉnh ủy Rạch giá; cũng thời gian đó, Ban Kiểm tra của Tỉnh ủy Bạc Liêu đã sớm phát hiện và giúp tỉnh ủy xử lý kịp thời những hoạt động của một số kẻ phản bội. Thời gian này, tổ chức Ban kiểm tra Đảng mới chủ yếu được xây dựng đến cấp khu và liên khu. Tuy vậy, cũng có tỉnh ủy thành lập được Ban Kiểm tra, như Ban Kiểm tra của Tỉnh ủy Hà Giang thành lập tháng 2 năm 1950; Ban kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu thành lập tháng 5 năm 1950.

Ở Nam Tây Nguyên, ngày 18/10/1977 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 283-NQNS/TW do đồng chí Nguyễn Duy Trinh ký chuẩn y danh sách Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lâm Đồng khóa I. Trong giai đoạn này, Trung ương Đảng nhấn mạnh "Tổ chức chu đáo, thường xuyên và có hệ thống, công tác kiểm tra phải thực hiện đường lối, chính sách, ngăn ngừa xảy ra sai lầm, ngăn ngừa các vụ vi phạm nguyên tắc. Không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo".

Có thể nói, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Trung ương và các cấp ủy cấp dưới, tuy thời gian hoạt động còn ngắn, tổ chức còn mới, chưa hoàn chỉnh, kinh nghiệm công tác chưa nhiều nhưng Ban Kiểm tra Trung ương và các ban kiểm tra của các cấp ủy cấp dưới lúc bấy giờ đã thực hiện tốt một khối lượng đáng kể công việc quan trọng, có quan hệ đến các chính sách lớn của Đảng và đã có tác dụng góp phần thiết thực phục vụ cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

KẾT LUẬN ĐÃ RÕ, "LÒ NÓNG - CỦI TƯƠI"

Ngày 29/7/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra của Đảng, tổ chức tại Hà Nội. Mở đầu bài nói chuyện, Người nhấn mạnh vai trò của công tác kiểm tra: “Kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức”. Quan điểm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thể hiện xuyên suốt trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, trong các văn bản pháp luật của Nhà nước từ năm 1945 đến nay. Mặc dù ở mỗi giai đoạn lịch sử đều có những sự điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ cho phù hợp, nhưng công tác kiểm tra Đảng luôn luôn có một vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống bệnh quan liêu, nạn tham nhũng, lãng phí và các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước, cũng như trong hoạt động thi hành nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cán bộ, công chức, nhân viên nhà nước.

Với tình hình và bối cảnh hiện nay, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng càng quan trọng hơn. Nhận thức rõ điều này, ngày 25/10/2021, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã ban hành Kết luận 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Trong đó, đã đưa ra giải pháp để nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng: "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực và có nhiều khiếu kiện, khiếu kiện kéo dài; đồng thời, quan tâm giải quyết dứt điểm những vụ việc gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chú trọng công tác tự kiểm tra, tự giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị, kịp thời phát hiện từ nội bộ để chấn chỉnh ngay những vi phạm từ khi mới phát sinh, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành khuyết điểm, sai phạm lớn".

Trong không khí cả hệ thống chính trị đang vào cuộc "Lò đã nóng, củi tươi cho vào cũng phải cháy", nhân dân đồng tình, ủng hộ; cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp trong Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã và đang tiến hành mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết, kiên trì, không tự thỏa mãn với những kết quả đã đạt được. Minh chứng cho thấy, trong công tác kiểm tra, giám sát từ khi có Kết luận 21-KL/TW, có nhiều việc tồn tại đã lâu, khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, gây bức xúc trong xã hội đã được phát hiện, làm rõ. Mang lại tác dụng tích cực trong việc giáo dục, ngăn ngừa vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua số lượng các cuộc kiểm tra, giám sát tăng, nội dung tập trung vào các nghị quyết, chỉ thị, kết luận có ảnh hưởng quan trọng đối với xây dựng đảng, hệ thống chính trị; kiểm tra, giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt của địa phương, đơn vị ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề bức xúc, nổi cộm, điểm nóng, có dư luận xấu, nhiều đơn thư phản ánh mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, giải quyết và xử lý dứt điểm các kết luận kiểm tra, thanh tra của Trung ương như: Công tác phòng, chống dịch Covid-19; công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; khai thác tài nguyên, khoáng sản, quản lý đất công, tài sản công; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; thực hiện các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý sai phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng qua công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế; kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và việc thực hiện kiến nghị của thanh tra, kiểm toán nhà nước; công tác cán bộ, kê khai tài sản, thu nhập. Trong đó, nổi bật là chủ động, quyết liệt thực hiện kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức đảng, đảng viên. Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã thành lập 6 đoàn kiểm tra đối với 4 tổ chức đảng và 8 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.

Qua kiểm tra, giám sát, đã kịp thời phát hiện, làm rõ, kết luận các sai phạm của tổ chức và cá nhân, thi hành kỷ luật nghiêm minh, không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”, đồng bộ giữa xử lý kỷ luật đảng với kỷ luật chính quyền, đoàn thể và công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng. Theo đó, đã thi hành kỷ luật đối với 5 tổ chức đảng và 18 đảng viên, trong đó: Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thi hành kỷ luật 3 tổ chức đảng và 9 đảng viên (2 Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 1 nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 2 Tỉnh ủy viên, 4 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý); đề nghị Ban Bí thư khai trừ 1 Tỉnh ủy viên (Chánh Thanh tra tỉnh) do vi phạm pháp luật; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thi hành kỷ luật 2 tổ chức đảng và 10 đảng viên (trong đó có 4 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý). Từ đó, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh ngăn chặn, từng bước đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến”, “tự chuyển hóa" và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác kiểm tra, giám sát liên quan đến việc thực hiện Kết luận 21-KL/TW và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn đảng bộ phải đưa nội dung kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Kết luận 21-KL/TW vào chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm để thực hiện thường xuyên. Đồng thời, từ khi ban hành Kết luận đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng chương trình, tiến hành kiểm tra đối với 2 tổ chức đảng; giám sát 4 tổ chức đảng, 8 đảng viên và theo chương trình trong Quý III/2023 sẽ tiến hành giám sát đối với 2 tổ chức đảng và một số cán bộ chủ chốt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Kết luận số 21-KL/TW gắn với Chỉ thị 05-CT/TW, Kết luận 01-KL/TW và các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Qua kiểm tra, giám sát, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu các tổ chức đảng, đảng viên phát huy ưu điểm, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục và sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm, không để khuyết điểm phát sinh thành vi phạm.

Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh đã yêu cầu các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đơn vị mình chỉ đạo đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra các lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, có nhiều dư luận xã hội, đơn thư phản ánh, tố cáo về tham nhũng, tiêu cực; qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các sai phạm tham nhũng, tiêu cực. Năm 2023, Ban Chỉ đạo đã chủ động xây dựng chương trình và tiến hành kiểm tra 6 tổ chức đảng về công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực và công tác phát hiện, xử lý sai phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng, tiêu cực qua thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử; tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố các vụ việc tham nhũng, tiêu cực; công tác giám định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự; giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với 9 huyện ủy, thành ủy.

Kết quả trên cho thấy, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy không còn bất cứ vùng cấm nào. Những quan chức ở cương vị cao, vi phạm sẽ “không có ngoại lệ”, “không có đặc quyền”; cựu quan chức từng "nhúng chàm" cũng sẽ không thể “hạ cánh an toàn”. Điều này càng củng cố sức mạnh của Đảng, củng cố hơn nữa niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng (16/10/1948 - 16/10/2023) và 46 năm ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng, những cán bộ trên mặt trận kiểm tra càng sục sôi nhiệt huyết đấu tranh với những hạn chế, yếu kém, kiên quyết loại bỏ những căn bệnh trong Đảng, loại bỏ nạn tham nhũng, tiêu cực; sàng lọc đảng viên suy thoái, vi phạm đạo đức, lối sống... Từ đó, góp phần cùng Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; giữ vững quốc phòng, an ninh; tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và trở thành tỉnh khá của cả nước, cùng công cuộc đổi mới của đất nước tiếp tục tiến lên.

NGUYỄN THỊ HẠNH QUỲNH - Kiểm tra viên

Phòng Nghiệp vụ 2 Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lâm Đồng

Lượt xem: 339
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 001189702
  •  Đang online: 28
  •  Trong tuần: 2.999
  •  Trong tháng: 12.706
  •  Trong năm: 228.200